Davos tràn đầy lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc

Davos tràn đầy lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc

Tại sự kiện “Davos mùa hè” kéo dài 3 ngày, các nhà lãnh đạo DN, các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia tập trung vào việc dự báo tương lai và cách thế giới phải chuẩn bị thế nào để tiến về phía trước.

Mặc dù một số cuộc thảo luận của diễn đàn dường như vượt ra ngoài "tầm với", từ trí thông minh nhân tạo thông minh hơn con người đến giải quyết xung đột chính trị... Phần lớn cuộc thảo luận tập trung vào Trung Quốc, nơi đã tổ chức cuộc họp hàng năm này trong khoảng một thập kỷ.

Không khí của sự kiện được khơi mào bởi Thủ tướng Lý Khắc Cường trong bài phát biểu hôm thứ 3, đưa ra một cái nhìn hiếm hoi về những gì các nhà chức trách đang nghĩ đến tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng đã ca ngợi ý tưởng về một nền kinh tế Trung Quốc được thúc đẩy bởi sự sáng tạo. Đây là một hình ảnh mà Trung Quốc đang háo hức theo đuổi, đánh dấu một sự chuyển đổi rõ ràng xa rời khuôn mẫu cũ của một "Trung Quốc chuyên làm hàng nhái", đặc biệt là khi phong trào khởi nghiệp bùng nổ. Thủ tướng cũng nói rõ rằng Bắc Kinh nhận thức được những rủi ro phải đối mặt khi tăng trưởng, và đảm bảo với khán giả rằng các nhà chức trách đã được trang bị để giải quyết chúng.

Theo Helen Zhu, Giám đốc điều hành và người đứng đầu bộ phận tài sản Trung Quốc tại BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, đà tăng trưởng của Trung Quốc vẫn rất mạnh mẽ. Và một cuộc rà soát lớn ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính không phải là bất thường trong một thị trường đang phát triển, và việc chính phủ đang làm việc để sửa chữa các lỗ hổng là một dấu hiệu tốt cho dù sẽ mất một thời gian.

"Bất kỳ vấn đề nào đã tốn 7 năm, 9 năm để xây dựng lên sẽ không thể được xử lý qua đêm, do đó, con đường dẫn đến giải pháp sẽ không phải là một đường thẳng”, Zhu nói.

Cựu cố vấn ngân hàng trung ương Trung Quốc Li Daokui thậm chí còn dự đoán tăng trưởng kinh tế của đất nước sẽ tăng tốc một khi nó có những nhà lãnh đạo mới, những người không sợ hãi. Nhiều quan chức đã bị loại bỏ trong một chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn do Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đạo, vì vậy khi không còn lo sợ sẽ bị đào thải, các nhà chức trách mới, trải qua quá trình kiểm tra gắt gao, có thể trở nên táo bạo hơn trong việc thúc đẩy những cải cách cần thiết.

Những người ủng hộ ông Tập cho biết các cuộc điều tra chống tham nhũng là cần thiết để loại bỏ những thành phần xấu trong giới lãnh đạo, trong khi các nhà phê bình nói rằng đó chỉ là việc dọn dẹp các đối thủ của ông Tập. Dù nó thực sự có nghĩa là gì, một sự thay đổi lớn ở thượng tầng chắc chắn sẽ diễn ra, và đó là bước ngoặt.

“Các quan chức này đã được rà soát rất cẩn thận trước khi họ được chỉ định, vì vậy họ trong sạch”, Li nói. “Họ không lo lắng về việc trở thành mục tiêu của các cuộc điều tra chống tham nhũng”.

Li lạc quan tới mức thậm chí ông còn cho biết ông dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7% vào năm tới, và khoảng 6,7% trong năm nay. Mặc dù đó vẫn là tốc độ tăng trưởng chậm nhất của quốc gia này trong khoảng một phần tư thế kỷ, nó vẫn trùng với những con số mà Trung Quốc đưa ra vào năm 2016, và có lẽ sẽ đánh dấu bước nhảy vọt tăng trưởng.

Sức mạnh và sự lạc quan tiếp diễn ở Trung Quốc cũng được đánh dấu bởi những người tiêu dùng ngày càng sành điệu hơn với sức mạnh chi tiêu nhiều hơn bao giờ hết.

Ngày nay, người tiêu dùng Trung Quốc càng ý thức hơn về những gì họ đang mua, và đang bắt đầu tìm kiếm các mặt hàng chất lượng cao chứ không phải là hàng giả, hàng giá rẻ, Gao Hongbing, phó chủ tịch của Alibaba Group, cho biết tại một sự kiện tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần này.

“Tôi nghĩ rằng họ đã mất hứng thú”, Gao nói về mối quan tâm của người tiêu dùng Trung Quốc với hàng giả. "Vì vậy, họ thích sản phẩm chính hãng chất lượng cao hơn".

Và bất chấp những sự không chắc chắn, các giám đốc điều hành Trung Quốc hiện tại vẫn sẵn sàng đầu tư cho tương lai.

Theo một nghiên cứu của KPMG được trình bày tại sự kiện. Mặc dù các nhà quản lý cao cấp từ Mỹ và Châu Âu đang hướng về nền kinh tế trong nước để tìm kiếm sự tăng trưởng, những nhà quản lý tại châu Á lại đang hướng đến thị trường quốc tế, nghiên cứu cho biết. Các giám đốc điều hành Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến Australia, Đức và Anh như các điểm đến nước ngoài cho sự tăng trưởng.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, các chuyên gia nói rằng Bắc Kinh phải đối mặt với một loạt những mối lo ngại trong nước, chẳng hạn như bong bóng nhà ở và mức nợ công.

Tại Davos mùa hè năm tới, dự kiến sẽ được tổ chức tại thành phố Thiên Tân của Trung Quốc - có lẽ một số trong những thách thức đó sẽ có những giải pháp mới.